Hai nhà hàng xóm , ở chung trong ngõ nhỏ , chỉ cách nhau có dăm chục mét . Hai người mẹ trẻ , cùng làm việc một cơ quan . Nghe đâu một chị làm trưởng phòng , một chị làm nhân viên kế toán Họ thân với nhau ... Có khi còn hơn cả chị em ruột .
Những năm bao cấp , khó khăn . Hai cuộc chiến tranh vệ Quốc . Cả đất nước xác xơ , cả dân tộc đói rách . Hai nhà ấy chia nhau từ mớ rau muống héo queo , nửa cân thịt phiếu ướp lạnh đã bốc mùi , đến cân tấm , cân mỳ mốc thếch , hôi rình .
Hai người đàn ông của họ đều ra trận . Họ còn chia nhau cả những lá thư ngắn ngủi hiếm hoi từ mặt trận gửi về .
Niềm vui của họ là hai đứa trẻ , một trai , một gái . Thằng con trai của chị nhân viên , hơn đứa con gái của chị trưởng phòng một tuổi . Hai đứa trẻ đẹp như tranh vẽ , chúng là niềm vui của cả cái ngõ nhỏ đông đúc , chật hẹp , và ấm cúng này .
Tàn cuộc chiến chinh . Một trong hai người bố ấy không về . Đó là bố của đứa con gái . Nỗi đau trùm lên cả cái ngõ nhỏ . Hai ngôi nhà ấy cùng chịu tang . Hai người mẹ và hai đứa trẻ ấy cùng chịu tang . Họ càng thân nhau hơn .
Thế rồi ... Thời gian ... Thời gian bao giờ cũng là liều thuốc nhiệm mầu của tạo hoá . Thời gian đã giúp họ vơi dần nỗi đau , và thời gian cũng giúp hai đứa trẻ lớn lên . Chúng là đôi thanh mai trúc mã đẹp nhất trần gian . Chúng cũng là niềm tự hào của cư dân ngõ nhỏ . Thời gian cũng rắc muối tiêu lên mái tóc , ngày nào vẫn còn đen nhưng nhức , của hai người đàn bà .
Hai đứa trẻ càng lớn càng đẹp . Nhất là đứa con gái . Nó đẹp như thiên thần . Chúng học với nhau từ khi còn mặc quần thủng đít . Đến cấp 1 , cấp 2 , cấp 3 , rồi vào trường đại học . Khi thi lên đại học , đứa con gái hơn thằng con trai một điểm . Thế là ... Hai đứa học hai trường đại học khác nhau ... Ôi ! Cái số " 1 " nhỏ nhoi , bé tí như cái dấu " chấm " giữa cuộc đời , mà thật là khắc nghiệt . Thằng bé cứ buồn rười rượi , còn đứa con gái thì khóc tấm tức . Chỉ có hai người đàn bà là mặt mày rạng rỡ . Họ tổ chức một bữa liên hoan bánh kẹo mời cả ngõ .
Bốn năm sau ... Hai đứa trẻ ra trường . Chúng không còn là hai đứa trẻ nữa , mà đã là hai vị " tân cử nhân " rồi . Giá như ngày xưa ... Đỗ đạt đến cỡ này , thời cả làng phải tổ chức lễ " bái tổ vinh quy " , cờ quạt võng lọng xênh xang đấy . Nhưng thời nay , dân trí cao hơn . Bằng " cử nhân " cũng không phải là hiếm nữa . Mặc dầu vậy , hai cái bằng " cử nhân " ấy , vẫn là niềm hãnh diện của dân trong ngõ nhỏ . Thậm chí các cụ già , còn đem chúng ra khoe với khách . Ngày ngày , lấy chúng làm tấm gương , để răn dậy con cháu mình .
Hai người mẹ sung sướng và mãn nguyện ấy lại cùng nhau tổ chức một bữa tiệc , mời cả ngõ . Bữa tiệc lớn hơn , không chỉ là bánh kẹo . Mà cỗ ! Khách mời không chỉ là ngõ xóm . Mà đủ cả bốn bên họ hàng , và bè bạn của hai nhà . Lễ đính hôn của hai vị " tân cử nhân " .
Ngày hôm ấy , cả cái ngõ nhỏ vui mừng . Niềm vui song hỷ dường như len lỏi vào từng nhà . Hiện lên từng khuôn mặt . Thế mới thấm thía lời dậy của thánh nhân : " bán anh em xa , mua láng giềng gần " . " láng giềng " , nơi tắt lửa tối đèn có nhau , nơi buồn vui san sẻ , no đói cùng chia . Các cụ già và con trẻ xúng xính trong những bộ quần áo đẹp . Cười cười , nói nói hẹn nhau. Suốt ngày , những bản nhạc vui tươi làm rộn ràng cả ngõ .
Hai người mẹ tóc muối tiêu trẻ ra hàng chục tuổi , và sang trọng như những đại mệnh phụ phu nhân . Thật là " sướng một ngày thành tiên " . Sung sướng , hạnh phúc nhất vẫn là đôi " tiên đồng ngọc nữ " ấy . Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi chúng . Trên khuôn mặt , trong khoé mắt , trong giọng nói của chúng . Chỗ nào cũng thấy bóng dáng của nụ cười .
Ai ai cũng hỏi ngày cử hành hôn lễ . Hai đứa trẻ ngượng ngùng và lễ phép thưa :
Dạ , chúng cháu xin bố mẹ hai bên cho thư thư một thời gian , để ổn định công ăn việc làm đã ạ !
Thật là người có chí khí , và biết thương cha mẹ ! Các cụ trầm trồ khen .
Hai cái bằng tốt nghiệp hạng ưu thật là giá trị . Anh con trai được giữ lại giảng dậy ở trường đại học . Từ cổ chí kim , nghề làm " Thầy " vẫn là nghề cao quý nhất . Chẳng thế mà thánh nhân đã dậy thế nhân rằng " mồng một tết cha , mồng hai tết mẹ , mồng ba tết thầy " . Lại còn "nhất tự vi sư , bán tự vi sư " . Nghĩa là : Người dậy ta một chữ cũng là thầy ta , người dậy ta nửa chữ cũng là thầy ta .
Vị trí giảng dậy ấy đã tự khẳng đinh tài năng , tính cách và đức độ của anh con trai . Vợ chồng người hàng xóm mừng thôi là mừng .
Nhà bên , cô bé xinh đẹp nết na càng may mắn hơn . Cô được mời vào làm việc , trong một dự án xã hội , của Quốc tế với mức lương hàng ngàn mỹ kim một tháng .
Cả xóm lại được một phen xôn xao bàn tán . Họ quy hàng ngàn mỹ kim ra tiền cụ Hồ . Rồi so sánh với lương công nhân làm may , làm dầy ... Thậm chí so sánh với lương của những công chức có chút chức vụ . Mà mồm cứ há hốc ra . Kinh ngạc .
Mùa đông năm ấy , đám cưới được tổ chức , tại một khách sạn lớn nhất nhì Hà nội . Xe ô tô đưa đón cả xóm từ đầu ngõ . Thật là chu đáo . Mùa đông năm sau thì nàng dâu đã sinh cho nhà chồng một thằng " cún cò " . Đẹp hơn cả ước mơ . Họ nội , họ ngoại , bà nội , bà ngoại , và đến cả hàng xóm láng giềng đều sung sướng . Quà mừng cũng chả kém gì mừng đám cưới .
Hai năm sau , lại một thằng " cò con " nữa ra đời . Đẹp hơn cả thằng "cò lớn " . Bà nội chúng suốt ngày tất bật , mà niềm vui cứ sáng ngời trên khuôn mặt phúc hậu , vẫn còn nhiều nét duyên dáng .
Hàng xóm lại bảo nhau :
Tổ tiên nhà này chắc phải tu nhân tích đức chín kiếp mười đời . Nay con cháu được hưởng phúc . Chưa hết , khi thằng " cò con " được một tuổi . Trong bữa tiệc mừng lễ thôi nôi của nó . Vị giám đốc của mẹ nó - một người Mỹ chính gốc . Đã trịnh trọng tuyên bố :
Bộ đại học của nước Mỹ , đã thông qua tờ trình , của giám đốc dự án xin cấp học bổng cho mẹ " thằng cò " đi du học tiến sỹ tại Mỹ . Phải hoàn tất các thủ tục và nhập học sau hai tháng nữa .
Cả nhà sững sờ . Chẳng biết nên vui hay nên lo . Vui thì đáng vui quá . Mẹ nó giỏi giang quá . Dịp may này không có mấy người giám mơ ước . Lo thì cũng lo quá , vì hai đứa trẻ còn rất bé . Mẹ nó đi học. Đồng nghĩa với việc vắng người chăm sóc bú mớm hai thằng bé , còn là việc giảm 2/3 thu nhập gia đình .
Tiệc tan , tiễn khách về rồi , cả nhà cứ ngồi im lặng . Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ của riêng mình . Chỉ hai thằng bé là chẳng hiểu gì . Chúng cứ vô tư đùa nghịch trong lòng bà nội , bà ngoại . Bố nó đứng lên , ra sân châm thuốc hút . ... Một lúc sau , để phá tan cái không khí im lặng nặng nề ấy . Bà mẹ chồng lên tiếng trước :
Mẹ cu ạ ! Sách dậy rằng : " phúc bất trùng lai " . Sự may mắn không đến nhiều lần . Con cố mà đi học . Bốn năm , dài thì dài thật , nhưng so với cuộc đời ta thì lại thật ngắn ngủi . Bà nghĩ rằng thời gian này con đi học là thích hợp nhất đấy . Này nhé ! Em bé thì vừa cai sữa rồi . Anh chưa đến tuổi đi học lớp một . Bà ở nhà chỉ việc nuôi chúng thôi , nhàn tênh . Nếu mấy năm nữa con mới đi , bà vừa nuôi , vừa phải dậy cháu học , vất vả hơn nhiều . Hơn nữa bây giờ ông bà còn đang mạnh khoẻ . Bà ngoại lại vừa về hưu . Công việc của bố nó lại ổn định và cũng nhàn . Bọn trẻ khoẻ mạnh , hay ăn chóng lớn . Thật là thiên thời , địa lợi , nhân hoà đấy . Có phải không ? Hở hai thằng " cún cò " này . Bà vừa nói vừa cù vào bàn chân của hai đứa trẻ . Chúng cười lên khanh khách . Cả nhà cười theo . Cái gánh nặng như được cất đi rồi .
Thế là chị con dâu đi sang nước Mỹ . Trước ngày lên đường , hai nhà cũng làm một bữa cơm khiêm tốn . Chỉ mời các vị cao niên trong ngõ thôi . Kể cũng thật là khó , không làm gì , thì cứ có cảm tưởng như mình keo kiệt bủn xỉn, và có lỗi với xóm làng . Làm to thì lại như phô trương , khoe khoang . Đành chọn giải pháp khiêm tốn này vậy .
" Lời chào cao hơn mâm cỗ " . Cổ nhân dậy thế . Các vị cao niên cũng hiểu , đây là lời chào của cô cháu gái nết na . Trước lúc xa quê cha , đất tổ , đi nơi đất khách quê người . Nên ai cũng ân cần , chúc sự bằng an , may mắn và thành đạt cho nó .
Mẹ " thằng cò " đi rồi , nhà trống vắng . Quái lạ ! Ở nhà thì vợ chồng nó cũng đi làm suốt ngày , mà sao lại không thấy trống vắng . Hai đứa trẻ ngoan lắm . Bà nội chúng cũng không vất vả hơn là mấy . Chả là khi ở nhà mẹ chúng cũng đi làm cả ngày . Ba bà cháu trông nhau đã quen rồi . Chỉ có ban đêm , chúng nhớ mẹ . Nhiều đêm bà nội và bố nó phải thay nhau bế , chúng mới chịu ngủ .
Ngày ngày anh con trai đi làm về sớm hơn . Tắm rửa cho hai " thằng cò " . Ăn cơm xong là ba bố con lên phòng máy tính , nói chuyện với mẹ . Thời buổi khoa học tiên tiến này thật kỳ lạ . Xa xôi ngàn trùng , thế mà cứ nhìn thấy nhau như trong một căn phòng vậy . Thời gian đầu , chưa biết gì , bọn trẻ cứ khóc chúng theo mẹ . Thằng anh thì mồm méo xẹo , nước mắt lưng tròng , đòi mẹ bế . Thằng em thì cứ vồ lấy cái màn hình đòi bú tý . Trong màn hình máy tính , mẹ chúng cũng khóc . Bà nội và bố nó kín đáo thở dài và quay mặt đi . Cũng chỉ được dăm bẩy phút thôi , là mẹ nó phải lên lớp học . Bố nó giải thích :
Hai nước cách nhau nửa vòng trái đất , ở mình tối thì họ mới đầu giờ sáng .
Từ ngày vợ đi vắng , tháng tháng lĩnh lương , người giảng viên đại học ấy đưa hết cho mẹ già . Không giữ lại đồng nào cho mình cả . Thương con bà đưa lại 1 triệu đồng và bảo :
Bố nó cầm lấy một ít , cũng còn phải xăng xe và thuốc xái chứ .
Con bỏ thuốc rồi mẹ ạ ! Hút thuốc chỉ tổ tốn tiền , mà còn sinh bệnh tật .
Bà cười sung sướng . Cái lợi đầu tiên của việc mẹ chúng đi học , đã nhìn thấy , sờ thấy rồi .
Lương hưu của ông bà , cộng với lương giảng dạy đại học của bố nó , cũng tùng tiệm . Hai đứa trẻ không thiếu thốn gì . Chỉ người lớn phải tằn tiện tí chút . So với thời bao cấp vẫn sướng " như tiên " . " Khéo ăn thì no , khéo co thì ấm " mà .
Thế rồi , bốn năm đằng đẵng cũng qua đi . Như giấc mơ hơi dài một chút . Mẹ chúng công thành , danh toại , bái tổ vinh quy . Cùng với học vị tiến sỹ của Hoa kỳ Mỹ quốc , làm rạng rỡ tổ tông .
Sau một tháng nghỉ ngơi , thăm hỏi và biếu quà họ hàng ngõ xóm . Hai vợ chồng đưa hai thằng cún , về thăm quê nội , quê ngoại . Tế lễ nhà thờ tổ tiên , và tạ mộ các Cụ . Tết năm ấy thật là " vui như tết "
Cái học vị " Tiến sỹ " đã đặt mẹ chúng lên ghế phó tổng giám đốc dự án . Chỉ ngồi sau vị tổng giám đốc người Mỹ kia thôi . Sáng sáng , chiều chiều chiếc ô tô Cemry mầu đen sang trọng , biển N N cùng với người lái xe , lúc nào cũng mặc comle , thắt calavat lịch sự và lễ phép . Đón đưa phó tổng ở đầu ngõ .
Nửa năm sau , cái gia đinh bé nhỏ và hạnh phúc ấy , xin phép ông bà ra ở riêng . Mẹ chúng đã mua được một căn chung cư 100 m2 . Trong toà nhà hiện đại , vừa khánh thành . Điều kiện cũng thật là phù hợp , thanh toán lần đầu 50 phần trăm , còn lại trả góp trong 5 năm . Căn chung cư ấy lại chỉ cách nhà ông bà khoảng 1 km thôi . Thuận tiện và may mắn mọi đường . Ông bà nhớ cháu thì tối nào cũng đi bộ sang chơi . Vừa chân , vừa sức , lại thêm khoẻ người , như đi thể dục ấy mà .
Đã 8 năm làm dâu , 7 năm làm mẹ . Nhưng thực ra người nữ tiến sỹ ấy , chưa một ngày phải làm chủ gia đình . Không kể 4 năm đi du học , những năm còn ở chung với bố mẹ chồng . Hàng tháng , vợ chồng chị chỉ biết đưa cho mẹ một khoản tiền , khoảng bằng nửa lương của chị . Bà mẹ bảo :
Thế này cũng nhiều lắm rồi con ạ ! . Bà lo hết , từ 3 bữa cơm hàng ngày , đường sữa , quần áo cho hai đứa trẻ , tiền thuốc men , đau ốm tiền vui , tiền buồn , tiền cười , tiền khóc . Đến tiền xây dựng nhà thờ họ , tạ bái Tổ tiên , giỗ chạp , giúp đỡ họ hàng . Không khi nào thấy bà hỏi con cái , yêu cầu đóng góp cả . Ngày ngày , vợ chồng chị đi làm , hai đứa trẻ ở nhà với ông bà nội . Chiều nào về nhà cũng thấy con sạch sẽ , no nê , vui tươi và ngoan ngoãn . Nhà cửa gọn gàng . Quần áo giặt sạch sẽ thơm tho , phơi khô gấp cất . Cơm nước đã dọn sẵn lên bàn , với các món ăn vừa phải và ngon miệng . Chưa bao giờ chị suy nghĩ xem , mẹ chồng làm những việc nhà không tên ấy có vất vả hay không ?
Từ ngày ra ở riêng ... Ngoài những việc có tên . Vợ chồng chị còn phải làm cả những việc không tên nữa . Mà xem ra những việc không tên , lại gây nhiều phiền toái và mệt mỏi cho người ta , hơn những việc có tên . Trước đây , hết giờ làm việc cơ quan về đến nhà . Đích thực là được nghỉ ngơi . Bây giờ thì không phải thế ... Nào chợ búa , cơm nước , giặt dũ , vệ sinh nhà cửa , đưa đón con đến trường , kèm con học bài . Lại thỉnh thoảng bọn trẻ đau ốm nữa chứ . Đã mấy lần chị phải bỏ cả những buổi họp quan trọng . Cũng đã mấy lần anh phải cho sinh viên nghỉ tiết học của mình . Nhà cửa cứ rối tinh rối mù cả lên . Xem ra " cái xích " có tên là " gia đình " này nghiệt ngã hơn cái vòng
" kim cô " có tên là " mẹ chồng " nhiều .
Anh bảo chị :
Thuê người giúp việc đi em ! Nếu không cơ quan đến sa thải chúng ta mất .
Anh chị về quê đón ra một đứa cháu họ 18 tuổi , thi tốt nghiệp phổ thông không đỗ . Người chị họ ấy 6 đứa con gái , cố mãi được một thằng út . Con bé 18 tuổi này là chị cả đây . Nó nhỏ thó , bẩn thỉu và rách rưới . Việc đầu tiên của chị là : mua cho nó mấy bộ quần áo , để thay những thứ rách nát kia . Thứ đến là tìm thuốc trị cái đầu chấy của nó . Thật là kinh khiếp , những con chấy đen sì , to lông lốc , rơi ra từ mái tóc rối bù . Chị chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo . Rồi thuốc tẩy dun sán ,xà phòng tắm gội . Ngày nào chị cũng bắt đứa cháu , dùng xà phòng và bàn chải , để cọ rửa chân tay . Ăn uống no nê , áo quần tươm tất , cộng với việc vệ sinh sạch sẽ . Khoảng nửa tháng sau , đứa cháu gái trông đã phởn phơ . Anh thấy chị quan tâm đến đứa cháu nhà quê , trong bụng đã mừng thầm .
Chị bắt đầu dậy nó việc nhà . Ôi chao ! Đây mới là việc nan giải . Đứa cháu đã quen sống bẩn thỉu , bừa bãi . Ở nhà quê , chị em nó , có đến mấy ngày , mặt còn chả cần rửa , huống hồ là qoét nhà . Ở đây chỗ nào cũng sạch trong , sạch bóng . Thế mà mợ nó bắt ngày nào cũng phải qoét , phải lau . Quần áo thì đã có máy giặt rồi , nhưng chẳng hiểu sao , nó cứ bấm lộn tung lộn phèo các nút . Thế nên nhiều hôm áo quần vẫn bẩn nguyên . Đến việc quá nhỏ nhoi như gấp quần áo , mà cũng còn phải dậy . Nó bảo :
Ở nhà cháu có gấp bao giờ đâu . Mẹ buộc mấy cái giây ở chân giường . Quần áo của cả nhà đều vắt vào đó . Làm gì có tủ mà gấp cất .
Nhất là việc nấu ăn . Nó có biết gì đâu , ngoài món luộc . Gạo luộc , rau luộc , thịt luộc , trứng luộc , cá luộc , tôm luộc ... Cái bếp ga mới đáng sợ làm sao . Nó học mãi mới bật , tắt được . Ở nhà nấu củi , nấu rơm rạ , thì không sao . Đang đun , có thể bỏ đi công kia việc nọ . Cùng lắm là bếp tắt . Đằng này , cái bếp ga , nó có chịu tắt đâu . Đã mấy lần , nó nấu cho thức ăn trong nồi thành than cả . Đến cái nồi cũng thành một cục nhôm méo xẹo . Nó sợ hết hồn . Tối đó mợ mắng nó ngu . Nó tủi thân , khóc tức tưởi suốt cả đêm . Hôm sau nó xin phép cậu mợ cho nó đến chào ông bà . Nó về quê .
Sau đó , mấy lần nữa , anh chị cũng tìm những người giúp việc khác . Nhưng chỉ một thời gian ngắn là họ lại xin nghỉ . Chị bảo anh :
Cung " nô bộc " của em xấu lắm . Số em không nuôi được người giúp việc đâu .
Người chồng im lặng . Anh biết vợ anh riết róng , chặt chẽ và cay nghiệt quá . Chẳng người giúp việc nào ở được .
Anh không nói . Thời gian gần đây , cứ hễ vợ chồng tranh luận nhau về một vấn đề gì đó. Câu nói cửa miệng quen thuộc của vợ anh là :
Anh thì biết gì .
Sao anh lại không biết gì ! Anh biết chứ ! Anh biết nếu mình thua kém vợ thì sẽ không giữ được hạnh phúc cho mình . Sẽ không giữ được gia đình cho các con . Cho nên ... Dù không may mắn như vợ . Trong thời gian chị đi du học , anh vừa nuôi con , vừa giảng dậy . Lại vừa theo một khoá đào tạo thạc sỹ trong nước nữa . Anh đã được bổ nhiệm làm trưởng khoa của một trường đại học danh tiếng . Thế mà lúc nào câu nói cửa miệng của vợ cũng là :
Anh thì biết gì !
Vốn thông minh , anh hiểu cả . Chẳng qua là tại : cái đồng lương làm " thầy " ở cái nước " cộng hoà " này , chỉ bằng 1/5 cái đồng lương làm " tớ " cho cái nước " đế quốc " kia . Thật là đắng cay , chua chát . Anh buồn !
Người đầu tiên nhận ra nỗi buồn của anh là mẹ . Độ này anh hay đảo về nhà , vào những lúc sau giờ làm việc . Không đi cùng vợ con . Sau khi nói chuyện với bố mẹ dăm mười phút . Anh lên căn phòng cũ của mình . Đóng cửa lại và ở trong đó rất lâu . Bà mẹ ngửi thấy mùi thuốc lá .
Đã nhiều lần bà muốn hỏi con trai , nhưng lại thôi . Chẳng hiểu do linh tính mách bảo hay sao mà lúc nào bà cũng lo ngay ngáy . Có cái gì đó cứ treo lơ lửng như hoạ , như hạn , như sự mất mát không thể giải thích được .
Cái gì phải đến rồi cũng đến . Mâu thuẫn đỉnh điểm giữa vọ chồng anh sẩy ra vào một đêm . Khi bọn trẻ ở phòng bên đã ngủ cả . Vợ anh bảo :
Em muốn mua ô tô . Mua một xe Camry trả góp . Anh nghĩ sao ?
Im lặng một lúc , hình như anh đang cân nhắc những lời mình sắp nói ra . Anh vui vẻ lên tiếng
Có ô tô thì sướng quá còn gì . Sướng nhất là anh và bọn trẻ . Anh biết em cũng vì chồng con thôi , chứ em hàng ngày đã có ô tô đưa đón rồi . Nhưng ta còn trả tiền nhà 1 năm nữa mới xong . Nếu để trả hết tiền nhà rồi hẵng mua xe thì đỡ vất vả cho em .
Vợ lại xổ ra cái câu cửa miệng qoen thuộc .
Anh thì biết gì ! Cả nước Mỹ người ta sống trong những ngôi nhà trả góp , đi trên những cái xe trả góp . Mà người ta vẫn là đế quốc giầu nhất thế giới đó thôi .
Đúng ! Anh không biết gì về cái nước Mỹ trả góp của em . Nhưng anh biết rằng : cái đế quốc Mỹ giầu có ấy , đã bị Việt Nam đánh cho không còn mảnh giáp . Em coi thường chồng như thế thì hỏi ý kiến anh làm gì . Em đừng tưởng mình đi làm cho Mỹ , lương mấy ngàn " đô " một tháng , mà nhìn ai cũng chỉ bằng nửa con mắt thôi .
Mắt vợ long lên . Chị nhìn chồng bằng hai con mắt rưỡi , chứ không phải nửa con mắt . Chị chì chiết .
Thì anh cứ kiếm tiền nuôi được vợ con , mua được nhà cửa cho vợ con ở đi . Ai giám coi thường anh . Khốn nỗi cái đồng lương chết đói ấy , nuôi cái mồm không đủ . Đã vô tích sự còn tinh tướng .
Đêm ấy ! Có cái gì trong anh cứ vỡ ra . Anh mang chiếc ghế ra ban công ngồi hút thuốc suốt đêm .
Sáng hôm sau , đưa con đến trường rồi anh đi làm . Đồng nghiệp và sinh viên đều nhìn anh kinh ngạc . Họ có ý nghĩ , chỉ sau một đêm mà anh già đi đến 5 tuổi , bơ phờ và hốc hác . Mãi mới hiểu ra sự ngạc nhiên của mọi người . Anh đành bịa ra một lý do để giải thích : đêm qua mình tưởng chết . Gun chui lên ống mật , đau suốt đêm , cả nhà hoảng sợ , đưa sang Bạch mai . Bệnh viện đã chuẩn bị mổ . May , có một bệnh nhân già bảo mẹ mình giã hột chanh cho uống . Thế là khỏi . Mọi người tin ngay , lại còn mừng cho anh nữa chứ .
Tối ấy anh không về . Anh khoá hết các máy di động . Trong bữa cơm tối , chị nói với các con là bố chúng đi công tác .
Mười giờ đêm , cho các con đi ngủ rồi . Chị khoá cửa lên nhà mẹ chồng . Từ ngày mẹ mình đi bước nữa . Chị chỉ còn mẹ chồng để giãi bầy tâm sự thôi .
Chị kể cho mẹ chồng việc xảy ra đêm qua . Tất nhiên là dấu đi những lời xúc phạm chồng .
Để yên lòng con dâu và cũng để nó hiểu rằng : mình không biết những gì nghiêm trọng hơn lời nó nói . Bà xoa xoa lưng con dâu bảo :
Cái thằng ấy ! Làm bố trẻ con cả chục năm nay rồi , mà vẫn chưa thành người lớn được . Hơi tý là hờn dỗi . Thôi ! Con đừng lo . Về với bọn trẻ kẻo chúng sợ . Mai nó về đây , mẹ cho một trận .
Con dâu đi rồi , cả đêm bà không ngủ . Bà thương con trai , con dâu . Thương nhất là hai đứa cháu . Những kỷ niệm của một thời đói khổ mà thương yêu , rách rưới mà huy hoàng xưa . Cứ khắc khoải trong lòng bà .
Sáng hôm sau , người nhìn bà kinh ngạc trước tiên là ông . Ông ngủ ở trên lầu , nên đêm qua con dâu đến ông không biết .
Bà làm sao vậy? Đêm qua bà đau gì vậy ? Sao bà không gọi tôi ?
Bà nhăn nhó xuýt xoa bảo ông :
Tôi đau dạ dầy quá ! Đau suốt đêm qua . Chắc tại mấy hớp rượu thuốc ông mời tôi lúc bữa ăn tối đó mà . Bây giờ thì đỡ rồi .
Cả ngày hôm ấy bà cứ lặng lẽ mong con trai mà không thấy . Bao nhiêu lần gọi điện đều khoá máy . Cơm tối xong bà bảo ông là bà sang chơi với các cháu . Đến nơi , bọn trẻ đang ăn cơm . Thấy bà nội , chúng nhẩy lên sung sướng , rồi cùng nhau ăn sữa chua bà cho . Chúng khoe bà là bố chúng đi công tác . Bà thở phào . Ơn trời ! Chúng không biết . Chơi với các cháu một lúc thì bà về .
Đêm ấy . 11 giờ , anh về . Chắc anh cũng biết sự việc không dừng ở đó . Nên đã chọn về vào giờ các con ngủ cả . Ngộ nhỡ vợ chồng có điều qua tiếng lại , thì con cái không nghe thấy . Trong lòng anh thực tình mong muốn , vợ chồng nói với nhau vài lời thông cảm rồi đâu lại vào đấy . Bát đĩa còn có khi xô ... Nữa là ...
Nhưng ... Khi thấy tiếng chìa khoá tra vào ổ . Biết chồng về . Chị đi vào phòng ngủ đóng cửa lại . Nửa tiếng , không thấy vợ ra . Cái cảm giác là người khách lạ trong chính ngôi nhà của mình . Đã làm anh tê dại
Anh mở cửa phòng ngủ bước vào . Mặt vợ lạnh tanh . Chị chỉ vào cái va ly để ở dưới sàn và bảo :
Mời anh đi cho ! Quần áo và đồ dùng cá nhân của anh tôi đã xếp vào va ly cả rồi . Nhà của mẹ con tôi không phải là khách sạn . Để cho anh muốn ở thì ở , muốn đi thì đi .
Anh choáng ! Nếu không bám vội vào cánh cửa , thì chắc anh đã ngã ... Rồi cũng lấy lại được bình tĩnh . Điềm đạm và hách dịch , anh nói
Cô nghe đây . Tôi quay về không phải để lấy quần áo ra đi . Càng không phải để xin cô cho ở nhờ . Mà vì hai đứa con , và những gì đã có giữa chúng ta . Nếu những thứ ấy không còn tồn tại trong cô nữa . Thì chúng ta chỉ còn cách duy nhất là : gặp nhau tại toà án thôi !
Anh mở cửa phòng hai đứa trẻ , lặng lẽ nhìn chúng ngủ rất lâu , rồi xách va ly ra đi . Anh để lại chìa khoá nhà ở bàn uống nước .
Chị nằm vật ra giường . Mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà . Mà hai dòng nước mắt cứ xối xả chảy xuống gáy .
HẠNH PHÚC THẬT MONG MANH !
Sáu tháng sau , cùng với quyết định bổ nhiệm hiệu phó , một trường đại học ở Sài Gòn. Và quyết định ly hôn của toà án . Anh mang thằng con lớn vào Thành Phố . Đi tiễn bố con anh , là bà nội và đứa con nhỏ của anh . Ba bà cháu cứ khóc mãi không thôi .
Hà Nội Tháng 9/2011
- Thi đàn Việt Nam
Update Required
To play the media you will need to either update your browser to a recent version or update your Flash plugin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét