Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

BÀ CHÁU

    

                                                Cả đêm , bà lão không ngủ ... Tuổi già thật khổ . Mỗi khi thời tiết thay đổi , nay nắng , mai mưa , bão xa , bão gần . Hay gió mùa đông bắc , đang còn ở lục địa Trung quốc xa lắc xa lơ . Các cơ quan , đoàn thể , từ Trung ương , tới địa phương , đã như suy sụp . Kính thưa các loại khớp xương đều nhức nhối . Huyết áp tăng lên , mạch đập giảm xuống , vài đêm thức trắng . Lúc nào bà cũng phải đeo kè kè cái túi thuốc bên mình . Anh em và bè bạn cứ trêu rằng : " cơ thể người ta đều chia làm 3 phần : đầu , mình , và tứ chi . Riêng bà có thêm một phần nữa là cái túi thuốc " . Bà cười , cũng nói vui lại . : " Cổ nhân dậy rằng : quân tử phòng thân . Mình nhờ lắm bệnh , phải đeo thuốc phòng thân . Mà thành " quân tử " đấy . 
        Thế mà đêm qua , bà thức trắng vì vui . Cháu nội bà về ... Hôm nay cháu nội bà về . 
        Bà có nhiều cháu nội ngoại , những 7 đứa cơ . Có đứa đã sắp lấy vợ , lấy chồng  . Bà sắp được thăng lên chức Cụ rồi . Cháu nào cũng qua tay bà bế bồng , nuôi nấng . Đứa ít thì 1 năm , đứa nhiều thì 9 , 10 năm . 
        Cái thằng hôm nay về . Nó đã ở với bà 9 năm . Chín năm , có lúc thì có cả bố mẹ nó . Có lúc thì chỉ bà cháu thôi . Bà thay cả bố , cả mẹ nó  . Ôi ! Chín năm dài lắm . Bà còn nhớ như in . Lúc đón nó từ tay người bác sỹ đỡ đẻ . Đứa bé bụ bẫm và xinh đẹp , lại là cháu trai nữa chứ . Bà thành kính ngửa mặt lên Trời , cám ơn Trời Phật . Và anh linh Tiên Tổ đã cho chúng " mẹ tròn con vuông " .
        Thế rồi , bà cười khi nó cười , bà khóc khi nó khóc . Bà thót cả ruột gan , khi nó đau ốm , chốc lở . Bà chạy đôn chạy đáo , tìm thày tìm thuốc , khi nó lên đậu , lên sởi , khi nó ỉa chẩy , bí đái viêm phổi . 
         Bà sung sướng nhìn nó lớn lên . Nó đi học . Trường LOMONOXOP hẳn hoi . Hàng tháng trời , bà đến cổng trường , ngồi từ lúc cháu vào học  , 8 giờ sáng . Cho tới khi cháu tan học , 4 giờ chiều . Cả ngày bà ngồi đó , chỉ để yên tâm rằng  : không có gì bất trắc sẩy ra với cháu  , trong lúc vắng bà . 
         Việc làm ấy , bà cũng biết có vẻ như mình " lẩm cẩm " thật . Nhưng có cái gì đó cứ thôi thúc bà đi . Bà phải được nhìn thấy nó lúc nó ra chơi . Biết nó có ăn hết suất cơm ở trường và thuộc bài trên lớp không . 
        Nó cũng yêu bà , nghe lời bà nhgoan ngoãn , chăm học . Nó học giỏi , năm nào cũng đứng nhất nhì lớp . Nó biết yêu thương , nhường nhịn em bé . Nó biết đấm lưng cho bà khi trái tắng trở trời . Ôi ! Bà thật sung sướng và mãn nguyện . 



                                                       Nó theo bố đi xa , đã một năm rồi . Một năm ... 365 buổi sáng ... Một năm  ... 365 buổi chiều ... Người già chẳng có việc gì làm . Ngày nào bà cũng ngồi  một mình bên ấm trà nguội ngắc . Nhìn về phương trời nam xa lắc xa lơ . Bà mong chóng tối . Bà biết , tối cháu bà đi học về , là sẽ gọi điện cho bà . Ngày nào nó cũng gọi . Không được ở cùng nó , thì nghe nó nói , cũng là sung sướng lắm rồi . Con người sẽ ốm đau thậm chí sẽ chết , khi thiếu cơm ăn , nước uống . Nó cứ giống như cơm ăn nước uống của bà vậy . Ôi ! Đứa cháu yêu quý của bà ! 
         Hôm nay cháu bà về . Nghỉ hè  , nó về với bà .  . Sau kỳ nghỉ hè này , cháu lên lớp 5 rồi đấy . Bà hình dung ra nó lớn phổng lên , xinh đẹp nhưng không được mạnh mẽ lắm . Bà thương cái " con rắn mới lột " của bà . Bà vẫn nói như thế , mỗi khi ôm nó vào lòng . Chả là nó tuổi Tân Tỵ mà . 
         Hôm nay , cháu bà về . Một giờ chiều nó lên máy bay ở Sài Gòn , thì một giờ chiều bà cũng lên xe buýt từ Hà Nội . Bà sang Nội bài  đón nó . Bà biết mình đi sớm quá . Sân bay chỉ cách nhà có 30 cây số thôi , mà 3 giờ chiều máy bay mới hạ cánh . Không ! Bà cứ đi sớm . Thà bà chờ nó chứ không để nó chờ bà . Khi xuống sân bay  , chưa có bà ở đấy thì nó buồn lắm . Bà biết chắc chắn là như vậy
         Quả thật , bà đến sân bay  sớm hơn 1 tiếng . Bà phải chờ nó hơn 1 tiếng . Chờ đợi trong niềm vui thì thời gian cũng không vô tri vô giác . 
         Nó kia rồi , bà nhìn thấy nó từ xa , nhưng lại cứ nghĩ mình lầm . Sao nó không lớn phổng lên như bà vẫn hình dung . Một năm rồi cơ mà . Trẻ con tầm này đang tuổi ăn , tuổi lớn ... Tim bà thắt lại !
         Nó ùa ra , ôm chặt bà . Hai bà cháu cứ ôm nhau đứng ở chỗ đông người . Mặc cho hành lý chỏng chơ , vương vãi xung quanh . Hai giọt nước rơi ra từ mắt bà , hai giọt nước rơi ra từ mắt nó . Nước mắt mới kỳ diệu làm sao ? Khi vui , nước mắt có vị vui , khi buồn , nước mắt có vị buồn . 
        Trên xe TAXI hai bà cháu ngồi ghế sau . Nó cứ đấm vào ngực , vào lưng bà . Đó là cách nó vẫn thể hiện tình yêu thương của nó . Nó nằm vào lòng bà . Ôm nó trong tay , sờ nắn khắp người nó . Bà thấy da nó khô ráp , hai bàn tay nó lạnh . Mặt nó xanh xao và nhất là hai con mắt cứ ngơ ngác làm sao . Ở chỗ nào đó , sâu lắm trong lòng bà  , sự xót xa như sờ thấy , như nắm được . Có điều gì không thể cắt nghĩa ở đây . Bà biết bố nó có thu nhập cao , chắc chắn gấp hàng chục lần lương hưu của bà . Nó không thể thiếu thốn gì? ... Vậy thì ? ...
         Có cái cục cứ nâng lên , hạ xuống nhiều lần nơi yết hầu bà . Làm bà mấy lần suýt nghẹn . Bà ngồi lặng thinh  , cố dằn " cái cục " đó xuống thật sâu trong tâm can . Thằng bé như cũng linh cảm thấy điều gì . Nó cứ xoắn xuýt hỏi bà có đau đầu không ? Bà có đau phổi không ? ... Chả là ... Mấy chục năm trước , bà bị mọc một cái nhọt trong phổi . Xuýt chết , chữa khỏi rồi . Nhưng từ đó đến nay , mỗi khi trở Trời là cái phổi lại đau  Ôi ! Thần chết thật là ... Chưa bắt thì tha hẳn đi . Đằng này ... Cứ thỉnh thoảng lại gọi lên công môn trình diện ! 



                                               Bà lặng lẽ rút từ ngân hàng về , những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi . Bà không có nhiều tiền . Bà đã về hưu 25 năm rồi . Ngày ấy lương cán bộ thấp lắm . Thu nhập của người làm công ăn lương tháng , chỉ có hàng chục , hàng trăm đồng . Chưa ai nhìn thấy tiền nghìn ... Không như bây giờ , đi chợ đưa 1 nghìn đồng mua hành người ta cũng chẳng thèm bán . 
         Một phần tư thế kỷ qua đi  . Đồng hành với cuộc sống là nhiều lần lạm phát , sự mất giá của đồng tiền . Và nhiều quyết định tăng lương của Chính Phủ  . Đến nay  ... Ơn Đảng ,  ... Tiền lương hưu của bà đã tăng lên 1.500.000 đ ( một triệu , năm trăm ngàn đồng ) . Khi nhà nước quy định mức sinh hoạt tối thiểu của người về hưu  , để trợ cấp xã hội là 2.200.000 đ  ( hai triệu hai trăm ngàn đồng) bà cười chua chát và nói : " thế ra bao nhiêu năm nay mình vẫn sống dưới mức nghèo khổ mà không biết "  . Thực ra bà không phải sống nghèo khổ . Ơn Trời Phật , ơn nhờ phúc ấm Tổ Tiên . Các con bà đều ăn nên làm ra và chúng rất hiếu thảo . 
         Bà chi tiêu thoải mái , thỉnh thoảng còn có tiền kính biếu mẹ già , giúp đỡ họ hàng , và tiết kiệm chút ít , phòng bất trắc . Bà rút tiền tiết kiệm . Cháu bà về , niềm vui của bà , khách quý của bà . Bà tự cho phép mình chi tiêu rộng rãi một chút , phung phí một chút . Bà mua về đồ ăn , thức uống đầy bàn bữa nào cũng thế . Thằng bé ăn uống ít lắm ! Làm sao lại thế ? ... Nó đang tuổi ăn , tuổi lớn cơ mà ?... Bà để ý thấy tối nào cháu cũng vào nhà vệ sinh nhiều lần . Lo nó bị " đái dắt " bà gặng hỏi , cháu bảo bị ngứa lắm ở hậu môn . Thôi đúng rồi !  Cháu bà nhiều giun quá ! Bà mua thuốc , trước tiên là thuốc tẩy giun , rồi thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi , thuốc bổ . ... Uống thuốc giun rồi mà cháu vẫn ngứa . Cởi quần nó ra  xem mới biết hai bên mông , hai bên bẹn , đều bị viêm lở cả  . Thương quá ! ... Cháu bà ... Bà lại mua thuốc chữa viêm da . Vài tuần sau thì nó khỏi . Bữa bữa , nó đã ăn được nhiều hơn một chút Khi bà nấu cơm , nó đã kêu đói . Bà mừng đến chẩy cả nước mắt . Nó ở nhà với bà được 1 tháng và 25 ngày 
  


                                            Chiều ấy , nó lại theo bố ra đi ... Một chuyến bay vội vã , không hẹn trước 
         Hai lá phổi của bà vô cớ cứ đau nhói từng hồi . Bà uống vào một viên thuốc trợ tim và một viên hạ huyết áp rồi lên giường nằm . Những ngày sau đó . Bà lại ngồi một mình , nhìn về phương trời nam xa lắc xa lơ . Tách cà phê đắng ngắt đã thay chỗ cho ấm trà . Bà lại mong trời chóng tối . 


                                                  HÀ NỘI.     THÁNG 7/2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
lăng mộ đá toyota thanh hóa